Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Chức năng của thương hiệu đối với các doanh nghiệp

Thương hiệu là nhân tố quan trọng đối với các doanh nghiệp, chức năng của thương hiệu là góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời giúp nâng cao văn minh thương mại, góp phần chống cạnh tranh không lành mạnh. Hãy cùng tìm hiểu chức năng của thương hiệu đối với doanh nghiệp qua bài viết dưới đây.

Chức năng của thương hiệu đối với doanh nghiệp

- Nhận biết và phân biệt thương hiệu

Đây là chức năng rất đặc trưng và quan trọng của thương hiệu đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khả năng nhận biết của thương hiệu giúp người dùng khắc sâu và từ đó có thể phân biệt được các thương hiệu hàng hóa của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Thương hiệu cũng góp phần quan trọng trong việc phân đoạn thị trường của doanh nghiệp. Mỗi loại hàng hóa mang thương hiệu sẽ gửi đến những thông điệp khác nhau dựa trên những dấu hiệu trên thương hiệu nhằm mục đích thu hút khách hàng tiềm năng. Khi hàng hóa càng phong phú, đa dạng thì chức năng phân biệt của thương hiệu càng trở nên quan trọng. Mọi dấu hiệu không rõ ràng gây khó khăn khi phân biệt sẽ làm giảm độ uy tín và cản trở sự phát triển của thương hiệu. Trong thực tế nhiều doanh nghiệp xấu đã lợi dụng sự dễ nhầm lẫn của các dấu hiệu tạo nên thương hiệu để tạo ra những dấu hiệu gần giống với thương hiệu nổi tiếng nhằm gây sự nhầm lẫn cho người dùng.

- Tạo sự cảm nhận và tin cậy:

Chức năng này là sự cảm nhận của người tiêu dùng về sự khác biệt, về sự ưu việt và tin cậy khi sử dụng  hàng hóa dịch vụ mà thương hiệu đó mang lại (Ví dụ như rượu của Pháp, xe máy của Nhật,.... ). Nói đến sự cảm nhận của người dùng là người ta nói đến sự ấn tượng về hàng hóa nào đó. Sự cảm nhận của người tiêu dùng không phải tự nhiên mà có, nó được hình thành từ các yếu tố của thương hiệu như màu sắc, biểu tượng, tên gọi, âm thanh, khẩu hiệu, và sự trải nghiệm của người tiêu dùng. Cùng một loại hàng hóa, dịch vụ nhưng sự cảm nhận của người tiêu dùng có thể khác nhau, điều này phụ thuộc vào thông điệp hoặc hoàn cảnh tiếp nhận thông tin, hoặc có thể phụ thuộc vào sự trải nghiệm của người sử dụng khi sử dụng hàng hóa. Một thương hiệu có đẳng cấp, đã nhận được chấp nhận sẽ tạo ra một sự tin cậy đối với khách hàng và khách hàng sẽ trung thành với thương hiệu và dịch vụ đó. Chất lượng hàng hóa, dịch vụ là yếu tố quyết định lòng trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp, nhưng thương hiệu lại là động lực cực kỳ quan trọng đế giữ chân khách hàng ở lại với hàng hóa, dịch vụ, đồng thời là địa chỉ dể người tiêu dùng đặt lòng tin. Chức năng này chỉ được thể hiện khi thương hiệu đã được chấp nhận trên thị trường.

- Thông tin và chỉ dẫn:

Chức năng thông tin và chỉ dẫn của thương hiệu được thể hiện ở chỗ: thông qua những hình ảnh, ngôn ngữ hoặc các dấu hiệu khác, người sử dụng có thể nhận biết được phần nào về giá trị sử dụng cũng như công dụng của hàng hóa. Đồng thời, những thông tin về nơi sản xuất, đẳng cấp của hàng hóa cũng như điều kiện tiêu dùng …cũng phần nào được thể hiện qua thương hiệu. Nói chung thông tin mà thương hiệu mang đến cho người tiêu dùng luôn rất phong phú và đa dạng. Vì vậy các thương hiệu cần phải thể hiện rõ ràng, cụ thể và có thể nhận biết, phân biệt nhằm mục đích tạo ra sự thành công cho một thương hiệu.

- Chức năng kinh tế

Thương hiệu mang trong nó một giá trị kinh tế hiện tại và tiềm năng. Giá trị đó được thể hiện rõ nhất khi chuyển nhượng thương hiệu. Thương hiệu được coi là tài sản vô hình và rất có giá trị đối với doanh nghiệp. Giá trị của thương hiệu rất khó định đoạt. Nhưng nhờ những lợi thế mà thương hiệu mang lại, hàng hóa, dịch vụ sẽ có thể bán được nhiều hơn, thậm chí với giá cao hơn, và dễ thâm nhập vào thị trường hơn. Thương hiệu không tự nhiên mà có, mà phải được gây dựng lên với nhiều khoản đầu tư và chi phí khác nhau. Nhưng khi thương hiệu đã nổi tiếng thì lợi nhuận và tiềm năng mà doanh nghiệp sẽ quy định giá trị tài chính của thương hiệu. Hàng năm, tạp chí Business week đưa ra bảng xếp loại của khoảng 100 thương hiệu đứng đầu trên thế giới với giá trị ước tính của chúng. Ví dụ năm 2002: Coca-cola: 69,6 tỉ USD; IBM: 51 tỉ;  Microsoft: 64 tỉ;GE: 41tỉ; Intel: 30,8 tỉ; Nokia: 29,9 tỉ,.... Tại Việt Nam, thương hiệu P/S được Công ty Elida mua lại với giá 5 triệu USD (trong khi phần giá trị tài sản hữu hình chỉ khoảng trên 1 triệu USD).


Thương hiệu là một tài sản vô hình và có giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp: nó là tổng hợp của rất nhiều yếu tố, những thành quả mà doanh nghiệp tạo dựng được trong suốt quá trình hoạt động của mình. Chính sự nổi tiếng của thương hiệu như là một đảm bảo cho lợi nhuận tiềm năng của doanh nghiệp. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét